Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

VỀ BẢN PHÚC TRÌNH HÀNG NĂM CỦA OPEN DOORS

Trung Lương
VOA Tiếng Việt đăng tải bài viết “Việt Nam xếp hạng thứ 18 về đàn áp tín đồ Công giáo” đưa tin: Hôm qua ngày 10/01/2018, Open Doors International - một tổ chức quốc tế bảo vệ Thiên Chúa Giáo - công bố bảng xếp hạng tình hình đàn áp tôn giáo trên thế giới trong năm 2017, trong đó Việt Nam đứng thứ 18 về bức hại tôn giáo trong danh sách 50 quốc gia đàn áp Thiên Chúa Giáo tồi tệ nhất toàn cầu.
“..Trong danh sách có tên World Watch List năm 2018, bản phúc trình nói mặc dù hiến pháp Việt Nam cho phép tự do tín ngưỡng thế nhưng chính quyền Hà Nội vẫn siết chặt kiểm soát tôn giáo bằng hệ thống các luật lệ quy định phải đăng ký sinh hoạt hành đạo...”
Một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có trụ sở tại Washington cũng nhận định là trong năm 2017, Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoặc là “kiểm soát chặt chẽ những định chế tôn giáo” hoặc “thực sự thù nghịch” với tôn giáo.
Trước tiên, giới thiệu qua về tổ chức Open Doors và Danh Sách World Watch. Open Doors được giới thiệu là một thừa tác vụ từng phục vụ các Kitô hữu bị bách hại vì niềm tin của mình vào Chúa Kitô trong hơn 60 năm qua. Nó được thiết lập bởi Tu Sĩ Andrew, một nhà truyền giáo Hòa Lan, người bắt đầu thừa tác vụ của mình bằng cách đưa Thánh Kinh lậu vào sau Bức Màn Sắt. Ngày nay, Open Doors cung cấp sự trợ giúp tinh thần và vật chất cho các Kitô hữu bị bách hại tại hàng chục quốc gia và đã khai triển nhiều chi nhánh tại hơn 20 quốc gia.
Việc xếp hạng hàng năm 50 quốc gia trên Danh Sách World Watch là sản phẩm của một cuộc nghiên cứu quanh năm do đơn vị Nghiên Cứu World Watch của Open Doors tiến hành. Phúc trình này được công bố vào đầu năm. Các nhà khảo cứu thăm dò về tình thế tự do tôn giáo dành cho các Kitô hữu thuộc 5 phạm vi của đời sống: tư riêng, gia đình, cộng đồng, quốc gia, và trong Giáo Hội. Ngoài ra, nhóm còn đo lường việc bạo động chống các Kitô hữu. Với mỗi quốc gia được thăm dò, điểm số cho mỗi trong sáu loại được kết hợp để tạo ra điểm tổng kết. Điểm này xác định hạng thứ của mỗi nước trên Danh Sách World Watch.

Có thể thấy, Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1.Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3.Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”
Có thể thấy những chủ trương, chính sách tín ngưỡng tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng mà còn được thể hiện hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể khẳng định rằng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang xảy ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam.
Theo số liệu thu được mới nhất, cho đến nay, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 32 tổ chức tôn giáo và tiếp tục xem xét theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Cả nước có khoảng 70.000 chức sắc, nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp của các tổ chức tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 4 Học viện Phật giáo; 30 Trường Trung cấp Phật học và 4 Trường Cao đẳng Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại chủng viện và 2 cơ sở. Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam có Viện thánh kinh thần học, ....Các tôn giáo hiện có hơn 24.000 cơ sở thờ tự, được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Có thể thấy đó là những bằng chúng hùng hồn về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.
Tiếp theo, Bản phúc trình nói rằng mặc dù hiến pháp Việt Nam cho phép tự do tín ngưỡng thế nhưng chính quyền Hà Nội vẫn siết chặt kiểm soát tôn giáo bằng hệ thống các luật lệ quy định phải đăng ký sinh hoạt hành đạo. Cách đây không lâu, Dân biểu Ed Royce cũng đã nói rằng Luật Tôn giáo Tín ngưỡng của Việt Nam các điều khoản cho phép nhà cầm quyền Việt Nam giới hạn hoạt động tôn giáo một cách tùy tiện: đòi hỏi mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và báo cáo hoạt động. Rõ ràng việc quy định mọi tổ chức tôn giáo với nhà nước và báo cáo hoạt động là việc nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Thực tiễn cho thấy là ở bất cứ quốc gia nào, ở đâu có tôn giáo, hoạt động tôn giáo thì đều có sự can thiệp, quản lý của nhà nước.
Có thể thấy năm 2017 vừa qua là một năm có nhiều điểm nóng về vấn đề tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường biển miền Trung, các linh mục ở giáo phận Vinh đã kích động bà con giáo dân tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật như chiếm trụ sở Ủy ban Nhân dân Huyện, chặn đường quốc lộ 1A, gây rối trật tự công cộng, ... gây bức xúc trong dư luận, làm xấu đi hình ảnh sống “tốt đời đẹp đạo”. Việc xử lý các vụ việc phức tạp trên địa bàn nóng của chính quyền địa phương đúng pháp luật, sớm giải quyết được các vụ việc nóng, nhanh chóng thiết lập lại trật tự an ninh. Và không hề có cái gì gọi là đàn áp hay là “những kẻ phá hoại đã xông vào tấn công nhà thờ của một giáo xứ như những gì các đối tượng chống phá vu cáo chính quyền.
Rõ ràng, những bản phúc trình công bố tình hình tự do tôn giáo, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trên đây đều là những kết quả không chính xác dựa trên những tiêu chí và nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá không khách quan, mang tính xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tiến hành thực hiện âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét