Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

FREEHOUSE – VẪN LÀ VỞ CŨ SOẠN LẠI

Trung Lương

Hôm qua trên trang chủ của mình, RFA đã đăng tải bài viết “Việt Nam tiếp tục bị xếp hạng là quốc gia không có tự do”. Việt Nam không phải là một quốc gia tự do. Đó là xếp hạng của Tổ chức theo dõi tự do và dân chủ, Freedom House, công bố trong báo cáo thường niên 2018, vào ngày 16 tháng Một, năm 2018.
Theo tổ chức này, tại Việt Nam, quyền tự do được xếp hạng 6/7, trong đó hạng 7 là những quốc gia mất tự do nhất. Tương tự, quyền chính trị của người dân được xếp hạng 7/7 tức là không có quyền hạn chính trị nào. Lĩnh vực khá nhất của Việt Nam là các quyền dân sự được xếp hạng 5/7.

Trước hết, nói về Freedom House, chắc hẳn không phải ai cũng từng nghe và biết về tổ chức này. “Ngôi nhà tự do” (Freedom House) là tổ chức phi chính phủ, thành lập tháng 10-1941, trụ sở chính đặt tại Washington, D.C, Hoa Kỳ. Tổ chức này tự gán cho mình sứ mệnh “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”, tự nhận là “một tiếng nói minh bạch cho dân chủ và tự do trên thế giới”. Hàng năm, Freedom House đều có một bản công bố bản báo cáo - đánh giá về tình hình tự do trên của các nước trên thế giới. Tổ chức này đã đưa ra rất nhiều tuyên bố, nhiều bản tường trình, báo cáo hàng năm phản ánh sai lệch tình hình của các nước khác, vu khống nhiều nước vi phạm, ngăn cản các quyền cơ bản của con người, trong đó có việc vu khống Việt Nam không có tự do.

Ðây không phải lần đầu FH dựng chuyện và nhận xét nhảm nhí về việc thực thi quyền tự do chính trị và dân sự ở Việt Nam.
Báo cáo này được công bố lần đầu vào năm 1972. Lúc đó, Việt Nam được phân định thành hai miền. Miền Nam được đánh giá là tự do hơn miền Bắc và hầu hết các nước Đông Nam Á, chỉ kém Malaysia. Miền Nam “được” đánh giá cao hơn hẳn có lý do của nó mà chắc ai cũng biết.
Ngày 14/11/2016, tổ chức Freedom House đã công bố “Tự do Internet và tự do báo chí năm 2016” và trong bản báo cáo này, Việt Nam đứng ở vị trí 76/88 quốc gia về tự do Internet. Hay nói cách khác, Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia là “kẻ thù của Internet”.
Tiếp đó, Báo cáo Tự do Thế giới (Freedom in the World) năm 2017 của Freedom House đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước không tự do, đạt 20/100 điểm và xếp thứ 181 trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trở lại vấn đề, vậy phải hiểu thế nào cho đúng về quyền tự do. Ví dụ như tự do thân thể, tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; về tự do ngôn luận, báo chí; về tự do cư trú, đi lại; về tự do lập hội, hội họp,... hay gần gũi hơn đó là quyền tự do ăn uống, tự do học tập, tự do lao động,... Có thể thấy sự tự do ấy hiện hữu trước mắt chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nếu ai đó nói rằng chúng ta đang mất đi sự tự do, thì chẳng khác nào người đó đang cố tình che đôi mắt và lý trí của họ khi nhìn nhận thế giới xung quanh. Ở đây tự do không chỉ là nhận thức mà cả ở hành động. Và có rất nhiều người do chưa hiểu hết ý nghĩa của sự tự do hoặc là cố tình hiểu và cho rằng đó là sự tự do vô tổ chức, tự do vô chính phủ, tự do quá trớn. Ấy là đang hiểu sai về tự do.

Điều 2 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10/12/1948 nêu rõ: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản tuyên ngôn này. Cùng với đó, Khoản 2 Điều 29 của Tuyên ngôn này cũng quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Và pháp luật Việt Nam luôn bảo đảm sự tôn trọng và phù hợp với các công ước quốc tế. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Có thể thấy, nguyên tắc này đảm bảo một không gian hợp lý để công dân “tự do” thực hiện quyền của mình, miễn là không lấn vào những phần bị nhà nước “hạn chế”. Điều này thường được quy định theo luật sau khi quy định về nội dung quyền (Đối với Hiến pháp), hoặc được quy định trong khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, Điều 88, Bộ luật Hình sự về “Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, Điều 89, “ Tội phá rối an ninh”…

Các quyền tự do cơ bản của công dân ấy là những quyền quan trọng nhất, không thể tách rời đối với mỗi cá nhân.  Đó là quyền tự do đối với một cá nhân khi họ sống và hoạt động theo đúng các quy tắc xử sự chung mà xã hội đề ra, đó gọi là pháp luật. Việc quy định mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và công dân, tạo điều kiện cho công dân được tôn trọng, bảo vệ và được phát triển toàn diện. Thực tiễn thế nào chúng ta đều thấy rõ. Nếu sự tự do đúng nghĩa ấy không được đảm bảo thì chắc hẳn rằng tình hình xã hội ở Việt Nam đã không được các quốc gia trên thế giới đề cao như vậy rồi. Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi chính sách, đường lối hoạt động đều được xây dựng dựa trên nền tảng là các quy định pháp luật chặt chẽ và cao nhất là Hiến pháp 2013. Các quyền đó luôn được Nhà nước duy trì và bảo vệ cho mọi công dân nếu họ không làm trái các quy định của pháp luật. Nếu vi phạm pháp luật thì công dân sẽ bị tước bỏ hoặc hạn chế một phần các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Rõ ràng, quyền tự do được Nhà nước công nhận và được đảm bảo thực hiện trong hành lang pháp lý pháp luật. Khi một người thực hiện quyền tự do của mình một cách thái quá, vượt quá những điều chỉnh, những quy định của pháp luật thì phải sử dụng pháp luật để xử lý, đó là điều không thể chối cãi.

Có thể thấy, năm 2017 được cho là một năm ảm đạm, một bức tranh màu xám cho những hoạt động đấu tranh dân chủ. VOA Tiếng Việt đã tổng kết rằng: Trong năm 2017, Chính phủ Hà Nội bị chỉ trích và lên án đã tăng cường đợt bắt bớ nặng nề nhất trong vòng một thập niên qua, với bằng chứng là hơn 40 người hoạt động vì môi trường, nhân quyền và quyền lợi của người lao động bị truy nã, bắt giữ và cầm tù bằng các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “âm mưu lật đổ chính quyền” tại Việt Nam. Giới blogger và facebooker cùng các nhà bất đồng chính kiến trong nước cho rằng năm 2017 là một năm đáng sợ và kinh hoàng đối với họ...”. Thật dễ hiểu khi lại như mọi năm, Freehouse lại bám vào những kết quả này lấy làm cái để vu cáo Việt Nam.

Nếu là một người hay để ý thì có thể thấy rằng, năm 2017 là một năm khá thành công của lực lượng công an Việt Nam trong đấu tranh, xử lý với các đối tượng hoạt động lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ nhân quyền, tôn giáo để xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam. Hàng chục đối tượng là “nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ bị bắt và xử lý theo các điều luật trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam, như Điều 88, Điều 79, Điều 245, Điều 258... Hàng loạt các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ do Nguyễn Văn Đài sáng lập như Trần Thị Xuân,Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội,... bị bắt và xử lý. Hay là bản án 10 năm tù đối với Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 9 năm tù giam đối với “nhà hoạt động dân chủ” Trần Thị Nga,... Rõ ràng, họ đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và công dân Việt Nam. Hành vi vi phạm pháp luật thì dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, há chẳng phải là điều hiển nhiên, đúng với quy luật khách quan.

Thứ nhất, tổ chức Freedom House đã cố hiểu sai ý nghĩa của “quyền tự do”. Cái quyền tự do mà họ hiểu là quyền tự do hoang dã, tự do nguyên thủy, tức là không tuân theo bất cứ khuôn khổ pháp luật này. Thứ hai, Freehouse đã không nhìn nhận những thành thành tựu, những kết quả đạt được của Việt Nam mà chỉ đánh giá vấn đề theo lối hồ đồ vô căn cứ và tin tức các nguồn không chính thống, không khách quan. Chủ yếu khai thác từ các website, blog, các cơ quan truyền thông, từ một số cá nhân, tổ chức không có “thiện chí” với Việt Nam hay thực chất là các phần tử chống đối, các thế lực chống phá Việt Nam trong và ngoài nước. Có thể khẳng định tổ chức này không hề có bất cứ hoạt động khảo sát thực tế nào, họ chỉ dựa trên các thông tin sai lệch, vu cáo và bịa đặt để nhận xét, rồi chấm điểm. Điều này sẽ không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới chấp nhận, vì dù có tự do đến đâu thì pháp luật vẫn luôn được đặt lên hàng đầu, lợi ích của toàn xã hội vẫn phải được đảm bảo. Và những hành vi vi phạm pháp luật ắt phải bị xử lý, trừng trị bởi pháp luật.
Có thể nói rằng, tồn tại dưới vỏ bọc theo dõi, nghiên cứu và cổ súy cho tự do, dân chủ, nhân quyền, tổ chức Freehouse chính là phương tiện để các thế lực thù địch phương Tây lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá, hoặc làm mất uy tín của các nước trước cộng đồng thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiển nhiên, chúng ta cũng chẳng lạ lẫm gì với hoạt động của các tổ chức quốc tế chân rết này nữa, và phía Việt Nam chẳng cần phải quan tâm hay tỏ ra lo ngại đối với những kết quả không khách quan, không chân thực này của tổ chức Freehouse cả. Việc đưa ra báo cáo thường niên này cũng vỏn vẹn có giá trị “ghi nhận” một năm hoạt động chống phá đất nước của các nhà hoạt động dân chủ mà thôi!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét