Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

XIN HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT

Hôm nay xin bàn với các bạn 1 vấn đề có tính triết học một tí... chủ đề:
Tại sao sự thật lại quan trọng dù là phũ phàng?

Những sự vật, hiện tượng tồn tại trong vũ trụ, sự kiện, vụ việc đã và đang diễn ra có thực trong đời sống xã hội gọi chung là hiện thực, hiện thực thì luôn chỉ có 1 - duy nhất mà thôi. 
Sự nhận thức của con người (nhìn nhận, đánh giá, phê bình, xem xét, quan sát, quan niệm, quan điểm, lý thuyết...) thì luôn phong phú, đa dạng, nhiều chiều thể hiện sự sinh động, sáng tạo trong việc phản ánh của não bộ con người về hiện thực khách quan.
Hiện thực thì chỉ có 1, duy nhất nhưng nhận thức thì ko duy nhất, ko chỉ có 1. Do đó sự nhận thức luôn là quá trình, ko ngừng, liên tục... trải qua nhiều đối tượng nhận thức khác nhau, qua nhiều giai đoạn khác nhau...qua sự đấu tranh quyết liệt giữa những sự khác biệt trong nhận thức để đi tìm ra câu trả lời đạt đến chân lý khách quan, sự nhận thức tiệm cận đến hiện thực, đáp ứng thỏa đáng tính logic khách quan trong quan hệ nhân-quả, hiện tượng- bản chất... của những gì đã diễn ra trong hiện thực.

Tại sao sự thật lại quan trọng?
Nếu trong quá trình nhận thức, con người vì mục đích, động cơ xấu nào đó mà cố tình xuyên tạc, bẻ cong, tô vẽ, thổi phồng sự thật thì sẽ biến những điều nhận thức được trở thành điều sai trái, sai sự thật, sai hiện thực đã xảy ra.
Khi sự phản ánh sai sự thật của hiện thực thì đồng nghĩa với việc giết chết sự thật về mặt lý thuyết , che lấp sự thật, giả dối, làm sai lệch sự thật về mặt lý thuyết (còn bản thân sự thật đã xảy ra thì ko bao giờ và ko ai có thể can thiệp làm thay đổi bản chất).
Việc làm sai sự thật (tạo ra một kịch bản mới) dù bằng cách nào và trí tuệ ra sao thì cũng ko bao giờ tạo ra được sự trùng khớp tuyệt đối với sự thật đã xảy ra. 
Việc ngụy tạo sự thật luôn chứa đựng trong nó sự thiếu hụt vật liệu, chi tiết, tình huống cấu tạo nên sự thật, tạo ra mâu thuẫn, bài trừ, đối lập nhau giữa các yếu tố cấu tạo nên sự thật, nghĩa là thiếu thống nhất, thiếu logic khách quan giữa các yếu tố, chi tiết tạo ra một sự việc, sự kiện, hiện tượng tất yếu khách quan. 
Chỉ có sự thật mới chứa đựng trong nó những vật liệu, quá trình liên kết, nguyên nhân khách quan để tạo nên sự thật, tạo nên kết quả phản ánh chính xác tuyệt đối logic trong quá trình vận động của các yếu tố, nguyên nhân.
Do vậy trong quá trình nghiên cứu, điều tra, phản ánh, bảo vệ sự thật chỉ cần chỉ ra những mâu thuẫn, thiếu sót, ko logic trong việc tạo ra sự thật (ngụy tạo).
Việc làm sai sự thật có tính nguy hiểm, nguy hại, thậm chí là tội ác cho cộng đồng.
Vì chỉ có sự thật mới giúp con người xây dựng tiếp lên trên nó những cái mới đảm bảo chính xác, sự chính xác mới đem lại hiệu quả thực tế, giá trị thực. Dựa trên sự thật (dù đúng, sai, tích cực, tiêu cực) mới giúp con người có phương hướng, nền tảng, điều kiện để khắc phục sai lầm, kế thừa giá trị tích cực.
Việc thổi phồng, tô vẽ sự thật là cách phá hoại nhanh nhất lòng tin của con người. Điều này thường thấy trong việc thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay sự giả dối, tô vẽ, thổi phồng sự thật của một số báo chí thời gian qua.
Càng giả dối nhiều, càng sai trái nhiều, cứ chồng chất lên nhau theo thời gian thì càng về lâu dài càng gây ra hậu quả lớn (như kiểu xây lâu đài cát, hay thổi bong bóng)....Do đó phải bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, đó cũng là sự bảo vệ sự toàn vẹn giá trị gốc, bảo vệ quá trình xây mới đảm bảo tuân thủ tính logic khách quan, nhằm tạo ra giá trị thực, đem lại hiệu quả thực tế bền vững cho sự phát triển.



 Hữu Thuận

0 nhận xét:

Đăng nhận xét