Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Tinh thần yêu nước của người Việt Nam

Tiếng nói trẻ

@Bờm

Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã hình thành nên rất nhiều truyền thống văn hóa quý báu. Một trong số đó không thể không kể đến Tinh thần yêu nước. Lòng yêu nước là yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành giá trị cốt lõi nhất, cơ bản nhất, nó chi phối hầu hết những giá trị văn hóa khác của người Việt Nam.

Lòng yêu nước của người Việt Nam có gì đặc biệt?



Nhiều người nói rằng: phải chăng chỉ người Việt Nam mới yêu nước? Người Mỹ, người Nhật, người Hàn Quốc... họ có yêu nước không? Chắc chắn công dân của bất kỳ quốc gia nào cũng đều mang trong mình một tình yêu thiêng liêng với quê hương, đất nước. 

Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: Lòng yêu nước của người Việt Nam có gì đặc biệt? Tại sao người Việt luôn tự hào vì tinh thần yêu nước của mình, luôn xem đó là bản sắc văn hóa riêng có của người Việt.

Câu trả lời:

Không nhiều dân tộc trên thế giới có những hình tượng bất hủ về chủ nghĩa yêu nước giống như dân tộc Việt Nam chúng ta. 

Chỉ ở Việt Nam mới có hình tượng Thánh Gióng - một cậu bé mới lên 3 đã xông pha ra trận đánh giặc giữ nước. Hình ảnh Thánh Gióng chính là biểu tượng cho quốc gia Văn Lang non trẻ mới được hình thành nhưng đã phải đương đầu với họa ngoại xâm. Nó phản ánh truyền thống đấu tranh giữ nước, khát vọng độc lập tự do của người Việt.

Câu chuyện về vị anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản vì không được tham gia hội nghị bàn việc nước đã bóp nát quả cam trong tay lúc nào không biết là thể hiện trách nhiệm của thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Tôi tin chắc rằng nhiều người trong số chúng ta đều tâm đắc với lời bài hát "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay". Vì chỉ có trên mảnh đất này, quê hương này mới có một "đội quân tú tài" - đội quân của những những học sinh, sinh viên sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra trận. Nhiều người trong số họ đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ hi sinh thanh xuân của mình cho Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng những cái chết đó đã hóa thành bất tử để những người con ưu tú của đất mẹ sáng mãi  tuổi 20. 

Chỉ Việt Nam chúng ta mới có hình ảnh các vị bô lão trong Hội nghị Diên Hồng cùng đồng thanh hô "ĐÁNH", khi được các vua Trần mời bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông. Tiếng hô đồng thanh đó cũng là thể hiện tinh thần yêu nước bất diệt của người Việt Nam. Khi giặc đến, toàn thể dân tộc không phân biệt tầng lớp giai cấp, không phân biệt độ tuổi, giới tính cùng đồng tâm đánh giặc. Nó tạo nên một khái niệm vô cùng đặc biệt, đó là Chiến tranh nhân dân. 

Trong thế trận toàn dân đánh giặc ấy,  người Việt Nam có một hình tượng bất hủ - hình tượng "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Người phụ nữ Việt Nam rõ ràng không chỉ "quẩn quanh xó bếp", chỉ lo các công việc nội trợ. Hẳn các bạn còn nhớ hình ảnh "O du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu" biểu trưng cho một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng, người không đông nhưng vẫn có thể chiến thắng một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam chúng ta có hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng - những người mẹ mà "ba lần tiễn con đi, hai lần mẹ khóc thầm lặng lẽ", cả cuộc đời hi sinh hạnh phúc bản thân cho quốc gia dân tộc.

Tinh thần yêu nước của người Việt Nam chúng ta đặc biệt là thế đó!

Thanh niên Việt Nam ngày nay với lòng nhiệt huyết, với sức trẻ luôn ra sức thi đua, học tập, lao động để xây dựng, bảo vệ đất nước nối tiếp truyền thống cha anh!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét